Off

Ngày 11/9, tại Hà Nội, Ủy ban Tư pháp mở phiên họp về việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung nhục hình trong hoạt động điều tra án hình sự.

Nhiều đại biểu tỏ ra bức xúc với những tố cáo có việc dùng bức cung, nhục hình. Đại biểu Bùi Thị An cho rằng đây là vấn đề nóng nhưng lâu nay không dám công khai, cứ râm ran trong cử tri.

Ông Nguyễn Sơn, Phó chánh án TAND Tối cao cho biết, tội Dùng nhục hình có xu hướng tăng. Năm 2011 tòa án thụ lý một vụ với 2 bị cáo, năm 2012 thụ lý 4 vụ/7 bị cáo, năm 2013 thụ lý 5 vụ/14 bị cáo. Tại một số phiên tòa hình sự gần đây, nhiều bị cáo tố bị đe dọa, đánh, ép cung, mớm cung trong quá trình điều tra nhưng không đưa chứng cứ. Tuy nhiên, theo ông, việc chứng minh được cán bộ điều tra bức cung “là rất khó”.

Nêu vụ án 5 cựu cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên bị cáo buộc dùng dùi cui cao su đánh chết nghi phạm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng việc xét xử không thực hiện đúng quy định. Chẳng hạn: hình phạt nhẹ, xác định đồng phạm không chính xác trong trường hợp nạn nhân tử vong với 72 vết thương trên người.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga.

Bà tỏ ra nghi ngờ khi báo cáo VKSND Tối cao cho hay những vụ dùng nhục hình đều được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Bà Nga đề nghị đại diện VKS có mặt trong phiên giải trình đánh giá lại nhận định đó có đúng không?

“VKS nói vậy nhưng chúng tôi chỉ lấy một vụ đủ để thấy rằng việc xử lý này chưa đúng quy định, chưa nghiêm minh, có dấu hiệu bỏ lọt người, bỏ lọt tội và có dấu hiệu xử phạt nhẹ”, bà nói.

Tại buổi giải trình, Thứ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng vụ án dùng nhục hình trong điều tra tại Phú Yên là đáng tiếc, lẽ ra các cán bộ điều tra không cần nóng vội như vậy.

Tiếp đó, bà Nga đề nghị ba ngành công an, tòa án, VKS trả lời có hay không việc bức cung nhục hình trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn theo tố cáo của người bị giam oan suốt 10 năm này và tiến trình điều tra hiện đến đâu.

“Sau vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, có hàng loạt đơn kêu oan như vụ ông Hàn Đức Long (Bắc Giang), vụ bà Nguyễn Thị Hằng (Bắc Giang), vụ Lê Bá Mai (Bình Phước). Đây là những vụ án có đơn kêu oan kéo dài, Tổ chuyên viên liên ngành đã xem xét chưa?”, bà nói.

Đưa ra giải pháp nhằm hạn chế việc bức cung, dùng nhục hình, thượng tướng Lê Quý Vương đề xuất Quốc hội cho phép lắp đặt thiết bị ghi âm, ghi hình ở nhà tạm giữ, phòng hỏi cung.

Còn bà Nga cho rằng “tách việc quản lý giam giữ khỏi hoạt động điều tra mới có thể giảm thiểu việc dùng bức cung, nhục hình”. Trong điều kiện kinh phí còn khó khăn, quyền được ghi âm, ghi hình những buổi hỏi cung nên là của bị can, bị cáo, luật sư.

Hôm nay, Ủy ban Tư pháp tiếp tục làm việc.

B.Hà